Từ những hạt giống đầu tiên được gieo trên đất Bắc Hà 10 năm trước, vùng trồng cát cánh đã mở rộng thành hàng trăm ha đạt chuẩn quốc tế GACP-WHO.
Từ 0,5 ha tới vùng trồng đạt chuẩn quốc tế hơn 200 ha
Mùa hè 10 năm trước, nhóm các cán bộ Trạm khuyến nông Bắc Hà (nay là Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Bắc Hà, Lào Cai) ngồi họp bàn về phương án phát triển dược liệu tại địa phương, để vực dậy vùng dược liệu vốn từng phát triển mạnh mẽ những năm 60-70.
Cũng thời điểm này, tại Công ty Cổ phần Nam Dược, đứng trước thực trạng về chất lượng và giá cả nguồn nguyên liệu nhập khẩu không ổn định, ban lãnh đạo công ty đã thống nhất mục tiêu phải chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, bằng cách xây dựng vùng trồng theo chuẩn GACP – WHO (Thực thành nuôi trồng và thu thái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới) cho cây cát cánh. Cát cánh là dược liệu chủ vị mà Nam Dược sử dụng trong các sản phẩm siro ho cảm Ích Nhi, thuốc ho Nam Dược, bộ sản phẩm trị ho An Phế, An Thanh…
Sau quá trình nghiên cứu về đặc điểm sinh trưởng, tìm được nguồn giống chuẩn, trong hai năm 2013 – 2014, Nam Dược đã cho khảo sát và trồng thử nghiệm dược liệu này ở nhiều vùng sinh thái khác nhau và lựa chọn Bắc Hà để mở rộng vùng trồng cát cánh quy mô lớn.
Bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Bắc Hà cho biết: “Thời điểm ấy, chúng tôi lựa chọn 32 loại cây để trồng thử nghiệm. Tới nay, sau 10 năm, chỉ còn 7 loại cây đang phát triển, trong số đó mô hình trồng cát cánh kết hợp cùng Nam Dược là thành công nhất”.
Bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Bắc Hà và dự án 0,5 ha cát cánh tại Bắc Hà, Lào Cai. Ảnh: Nam Dược
Cũng theo bà Huê, dự án ban đầu chỉ với 0,5 ha tại thôn Lùng Phình (xã Tả Văn Chư). Sau quá trình thử nghiệm trồng ở các độ cao khác nhau, ở độ cao trên 1.000m, cát cánh cho hoa đẹp, sinh trưởng, phát triển tốt, hoạt chất cao gấp 2-3 lần so với Dược điển Việt Nam, nên công ty quyết định nhân rộng trồng ở các khu vực phù hợp.
Những ngày đầu chuyển giao kỹ thuật trồng cây mới, nhiều hộ người Mông chưa tin tưởng vào khả năng phát triển của cây, chưa nắm được những kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc đúng chuẩn… Các cán bộ của Nam Dược cùng ngành nông nghiệp huyện đã xuống thôn bản cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con làm đất, lên luống, bón phân, che phủ ni lông, gieo hạt, sau đó là làm cỏ, bắt sâu… Dần dần, bà con đã nắm vững quy trình và ngày càng có nhiều hộ đăng ký trồng cát cánh khi thấy hiệu quả kinh tế cao.
Tới năm 2017, vùng trồng cát cánh tại Lùng Phình đã lên tới 5 ha. Năm 2018, vùng dược liệu này được Bộ Y tế thẩm định và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Theo chuẩn này, dược liệu không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học và hóa chất, đảm bảo an toàn từ nơi trồng đến khi được thu hái, sử dụng và có hoạt chất cao, ổn định, truy xuất nguồn gốc dễ dàng, đảm bảo dược tính và công năng điều trị của sản phẩm.
Vùng trồng cát cánh đạt chuẩn GACP-WHO tại Bắc Hà, Lào Cai. Ảnh: Nam Dược
Từ năm 2019 đến nay, Nam Dược tiếp tục đầu tư mở rộng các vùng trồng cát cánh đạt chuẩn tại Bắc Hà, cung cấp nguồn dược liệu sạch đạt chuẩn để sản xuất các sản phẩm hàng đầu của công ty.
Tầm nhìn đưa dược liệu vươn xa
Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Bắc Hà, hiện địa phương trồng hơn 214 ha cát cánh.
Việc trồng, phát triển dược liệu là hướng đi đúng, trúng, giúp người dân tiếp cận được cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, là một bước ngoặc quyết định trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. “Tới nay, trung bình một ha cát cánh cho thu nhập 120 -170 triệu đồng một năm, mang lại giá trị kinh tế cao hơn 3-4 lần so với cây trồng chính (lúa, ngô)”, bà Nguyễn Thị Huê chia sẻ tại hội thảo “Thúc đẩy liên kết phát triển cây dược liệu tỉnh Lào Cai” vừa qua.
Cũng tại hội thảo, ông Hoàng Quốc Khánh – Phó Chủ tịch Thường trực UBNDTỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh xác định dược liệu là một trong 5 cây trồng chủ lực để phát triển nông nghiệp hàng hóa… Thực tế cũng cho thấy, dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho một bộ phận người dân, đặc biệt là những hộ ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Nhiều hộ đã chuyển đổi từ các cây trồng truyền thống có giá trị thấp sang cây dược liệu có hiệu quả cao, tăng thu nhập lên 3-5 lần, tạo điều kiện để phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Ông Hoàng Minh Châu – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Dược (thứ 2, từ trái) giới thiệu về sản phẩm từ cây cát cánh tại hội thảo. Ảnh: Nam Dược
Ông Hoàng Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Dược cho biết, từ khi phát triển vùng trồng cát cánh chuẩn quốc tế, công ty không phải nhập khẩu dược liệu từ nước ngoài, tạo được sinh kế cho bà con, chủ động nguồn nguyên liệu để sản phẩm có chất lượng tốt hơn, hiệu quả hỗ trợ điều trị cao hơn.
“Khi đã chủ động được nguyên liệu, mở rộng vùng trồng theo tiêu chuẩn của WHO, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ tới việc đưa sản phẩm từ dược liệu Việt Nam hội nhập với thị trường quốc tế”, ông Hoàng Minh Châu nói về tầm nhìn xuất khẩu dược liệu trong tương lai.
Nguồn: vnexpress